,

8 loại cảm biến động cơ ô tô mà bạn nên biết

8 loại cảm biến động cơ ô tô mà bạn nên biết

Có thể nói rằng, các cảm biến động cơ ô tô cũng như là giác quan cảm nhận của con người. Các cảm biến này sau khi tiếp nhận thông tin sẽ truyền tải chúng tới trung tâm điều khiển, để trung tâm điều khiển phân tích và đưa ra những phản ứng sao cho các thiết bị hoặc động cơ hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Các loại cảm biến xe ô tô này là thiết bị hỗ trợ quá trình vận hành của động cơ thông qua bộ điều khiển ECU trung tâm. Bài viết dưới đây, gara sửa động cơ ô tô TPHCM sẽ chia sẻ một số thông tin về các loại cảm biến này.

1. Cảm biến vị trí trục khuỷu (Crankshaft Sensor)

Cảm biến trục khuỷu đảm nhận chức năng báo cáo cho ECU biết được chính xác vị trí của cốt máy ở những vị trí tương ứng với cuối kỳ nổ, để ECU có thể điều chỉnh thời điểm đánh lửa và thời gian phun nhiên liệu tối ưu nhất cho các xylanh của động cơ.

Crankshaft Sensor nhằm góp phần giúp động cơ vận hành hiệu quả. Nếu như không có cảm biến vị trí trục khuỷu hay cảm biến này bị hư hỏng, động cơ xe sẽ khó khởi động, tốc độ cầm chừng không đồng nhất, máy rung/giật do đánh lửa sai, tăng tốc kém và hao xăng.

2. Cảm biến động cơ ô tô xác định vị trí trục cam (Camshaft Sensor)

Cảm biến vị trí trục cam đảm nhận vai trò xác định vị trí của trục cam, sau đó cung cấp thông tin này tới bộ xử lý ECU trung tâm để tính toán thời điểm phun nhiên liệu tối ưu nhất.

Nếu xe ô tô thiếu cảm biến vị trí trục cam thì sẽ rất khó khởi động động cơ, động cơ dễ chết máy, bỏ máy hoặc không đáp ứng được khả năng tăng tốc.

3. Cảm biến vị trí bướm ga (TPS Sensor)

Đảm nhận nhiệm vụ xác định độ mở của bướm ga, sau đó gửi thông tin này về bộ xử lý trung tâm để ECU trung tâm điều chỉnh lượng nhiên liệu được phun một cách tối ưu theo độ mở của bướm ga.

Trên các mẫu xe được sử dụng hộp số tự động, vị trí bướm ga là thông số quan trọng nhất để kiểm soát hành trình chuyển số.

4. Cảm biến áp suất đường ống nạp (Map Sensor)

Cảm biến áp suất đường ống nạp là một trong số những cảm biến động cơ ô tô quan trọng, nó đảm nhận nhiệm vụ cung cấp tín hiệu áp suất chân không dưới dạng tần số hoặc điện áp và gửi về bộ xử lý trung tâm. Từ đó bộ xử lý trung tâm tính toán lượng nhiên liệu thích hợp cần phải cung cấp cho động cơ.

Khi xe đang ở chế độ không tải hoặc thả chân ga, áp suất chân không sẽ giảm. Ngược lại, khi tải nặng hoặc tăng ga thì áp suất chân không sẽ tăng lên.

Khi cảm biến MAP hư hỏng thì động cơ sẽ nổ không êm, công suất giảm sút, xe nhiều khói thải và tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

5. Cảm biến nhiệt độ nước làm mát (Engine Coolant Temperature Sensor)

Đảm nhận nhiệm vụ đo lường nhiệt độ của nước làm mát động cơ, sau đó sẽ gửi thông tin này tới bộ xử lý trung tâm để tính toán thời điểm phun nhiên liệu, tốc độ chạy không tải, góc đánh lửa sớm… Trên một số dòng xe, tín hiệu từ cảm biến nhiệt độ nước làm mát còn được dùng để điều khiển hệ thống kiểm soát khí xả, chạy quạt làm mát động cơ.

Nếu xe thiếu đi cảm biến động cơ ô tô Engine Coolant Temperature Sensor, thì sẽ xuất hiện tình trạng khó khởi động.

6. Cảm biến lưu lượng khí nạp (MAF Sensor)

Cảm biến lưu lượng khí nạp MAF đảm nhận chức năng đo lường khối lượng khí nạp qua cửa hút và truyền tải tín hiệu về ECU điều khiển trung tâm, để ECU điều chỉnh lượng nhiên liệu phun đạt tỉ lệ chuẩn và điều chỉnh góc đánh lửa phù hợp nhất.

Khi cảm biến MAF gặp vấn đề, động cơ sẽ xuất hiện tình trạng chạy không êm, không đều, hay thậm chí là không chạy được, công suất của động cơ cũng sụt giảm, chết máy, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn…

7. Cảm biến kích nổ (Knock Sensor)

Các dòng xe đời mới ngày nay đa phần đều được trang bị một hộp ECU để điều chỉnh thời điểm đánh lửa, dựa trên các thông số được thiết lập trước đó trong hộp ECU, cũng như các thông tin thời gian thực tế như tải trọng, tốc độ động cơ, tốc độ xe, vị trí bướm ga…

Các thông tin này liên tục được hộp ECU cập nhật trong khi xe vận hành. Hộp ECU sẽ tiếp nhận tín hiệu từ cảm biến kích nổ để điều chỉnh thời điểm đánh lửa sao cho độ rung của động cơ thấp nhất (tiếng gõ), nhằm điều chỉnh thời điểm đánh lửa trễ đi, ngăn chặn tình trạng kích nổ, giúp động cơ đạt được độ hiệu quả tốt nhất khi hoạt động.

8. Cảm biến oxy (Oxygen Sensor)

Cảm biến oxy đảm nhận nhiệm vụ đo lường lượng oxy dư trong khí thải của động cơ, sau đó gửi tín hiệu này về cho ECU để ECU điều chỉnh tỷ lệ nhiên liệu và không khí phù hợp nhất.

Các loại cảm biến động cơ ô tô ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành, khả năng kiểm soát tiêu hao nhiên liệu, hoạt động đánh lửa. Những hư hỏng của cảm biến sẽ làm cho động cơ hoạt động không ổn định hoặc kéo theo hư hỏng… Vậy nên, nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào ở một trong số những cảm biến nêu trên, bạn nên kiểm tra và sớm đưa ra biện pháp xử lý. Hoặc có thể liên hệ với chúng tôi khi xe gặp phải vấn đề.

 

 

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *